Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Công văn Số: 1883/TCT-CS V/v: hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất.

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 1883/TCT-CS
V/v: hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất.
Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 2014

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Bắc Giang
Trả lời Công văn số 367/CT-QLCKTTĐ ngày 24/02/2014 của Cục Thuế tỉnh Bắc Giang về hồ sơ miễn giảm tiền thuê đất, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Tại Khoản 3, Điều 14, Nghị định số 142/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về tiền thuê đất, thuê mặt nước quy định:
"Điều 14. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước
Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong các trường hợp sau:
3. Trong thời gian xây dựng theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp dự án có nhiều hạng mục công trình thời gian xây dựng hoặc giai đoạn giai đoạn xây dựng độc lập với nhau thì miễn tiền thuê theo từng hạng mục hoặc giai đoạn xây dựng độc lập đó; trường hợp không thể tính riêng được từng hạng mục hoặc giai đoạn xây dựng độc lập thì thời gian xây dựng được tính theo hạng mục công trình có tỷ trọng vốn lớn nhất."
- Tại điểm b, Khoản 6, Điều 39 Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế:
"Điều 39. Trường hợp cơ quan thuế quyết định miễn thuế, giảm thuế
6. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước:
b) Trường hợp được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thủ tục hồ sơ chia làm 2 giai đoạn:
b.1) Trong thời gian đang tiến hành xây dựng: người thuê đất phải xuất trình với cơ quan Thuế các giấy tờ để làm căn cứ tạm xác định thời gian được miễn tiền thuê đất gồm:
- Giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp thực hiện dự án trong khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc diện không phải cấp Giấy phép xây dựng.
- Hợp đồng xây dựng; Trường hợp đơn vị tự làm, không có Hợp đồng xây dựng thì phải nêu rõ trong đơn xin miễn tiền thuê đất.
- Biên bản bàn giao đất trên thực địa.
b.2) Sau khi công trình hoặc hạng mục công trình được hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, người thuê đất phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ để cơ quan Thuế căn cứ ban hành Quyết định miễn tiền thuê đất bao gồm:
+ Biên bản nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng được lập giữa chủ đầu tư xây dựng công trình và nhà thầu thi công xây dựng công trình.
Hoặc các chứng từ chứng minh việc đơn vị tự xây dựng trong trường hợp đơn vị tự thực hiện hoạt động xây dựng cơ bản."
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Công ty TNHH HANSOLVINA nhận chuyển nhượng nhà xưởng gắn liền với quyền sử dụng đất thuê của ông Nguyễn Thế Khánh để thực hiện việc lắp đặt máy móc, thiết bị cho dự án đầu tư "Nhà máy HANSOLVINA 2" và hồ sơ xin miễn, giảm không có Giấy phép xây dựng như quy định tại điểm b, Khoản 6, Điều 39 Thông tư số 28/2011/TT-BTC, nay là Khoản 5, Điều 46, Thông tư số 156/2013/TT-BTC thì không được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Bắc Giang được biết./.


Nơi nhận:

- Như trên;
- Vụ PC-TCT;
- Vụ Kê khai và Kế toán thuế;
- Lưu: VT, CS (03b)
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn


Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Công văn Số: 1661/TCT-CS V/v chính sách thuế TNDN

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 1661/TCT-CS
V/v chính sách thuế TNDN  
Hà Nội, ngày 12  tháng 05  năm 2014

                                                Kính gửi: Cục Thuế TP Hà Nội

       Tổng cục Thuế nhận được công văn số 35683/CT-Ttra4 ngày 05/9/2013 của Cục Thuế TP Hà Nội hỏi về vướng mắc chính sách thuế đối với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Vinaconex. Về vấn đề này, sau khi xin ý kiến của Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
       Tại điểm 5, Mục IV Phần B Thông tư 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính quy định về khoản thu nhập khác bao gồm:
       "5. Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay (bao gồm cả lãi trả chậm, lãi quá hạn. . .), lãi bán hàng trả chậm, lãi bán hàng trả góp, lãi thu được do người mua thanh toán chậm so với quy định tại điều khoản thanh toán trong hợp đồng, lãi trái phiếu (trừ các loại trái phiếu được miễn thuế theo quy định)"
       - Tại Mục V Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định:
       "V. Thu nhập khác
       Thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành, nghề lĩnh vực kinh doanh có trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Thu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập sau:
       …
       5. Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn bao gồm: lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn.
       …”
       Đoạn 07 Chuẩn mực kế toán số 16- Chi phí đi vay quy định: "Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó (được vốn hóa) khi có đủ các điều kiện quy định tại chuẩn mực này. "
       - Đoạn 10 Chuẩn mực kế toán số 16- Chi phí đi vay, quy định: "Các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vốn vay riêng biệt trong khi chờ được sử dụng vào mục đích có được tài sản dở dang thì phải giảm trừ vào chi phí đi vay phát sinh khi vốn hóa. "
       Căn cứ theo các quy định trên, trường hợp Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Vinaconex trong các năm 2008, năm 2009 có phát sinh khoản lãi tiền gửi từ khoản vốn góp của các cổ đông công ty, không phải là khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vốn vay liên quan đến việc có được tài sản dở dang thì khoản thu nhập này là khoản thu nhập khác và không được bù trừ vào chi phí lãi vay phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng.
       Khoản chi phí lãi vay phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Cửa Đạt được vốn hóa và hạch toán vào giá trị đầu tư của công trình theo quy định.
       Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế TP Hà Nội được biết./.
 Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC,CST (BTC);
- Vụ PC (TCT);
- Lưu: VT, CS (2b).
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn


Công văn Số: 1606/TCT-CS V/v chính sách thuế

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 1606/TCT-CS
V/v chính sách thuế  
Hà Nội, ngày 08  tháng 05  năm 2014

                                                Kính gửi: Cục Thuế thành phố Hà Nội.

     Trả lời công văn số 635/CT-TTrl ngày 07/01/2014 của Cục Thuế thành phố Hà Nội đề nghị hướng dẫn về việc chuyển đổi ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với trường hợp của Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
     - Tại Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 199/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính quy định:
     "2. Doanh nghiệp đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN do đáp ứng điều kiện ưu đãi về tỷ lệ xuất khẩu mà bị chấm dứt ưu đãi thuế TNDN đối với điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu theo cam kết WTO, kể từ năm 2012 được lựa chọn để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian còn lại tương ứng với các điều kiện thực tế doanh nghiệp đáp ứng ưu đãi đầu tư (ngoài điều kiện ưu đãi do đáp ứng điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu), cụ thể như sau:
     - Được lựa chọn để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian còn lại tương ứng với các điều kiện thực tế doanh nghiệp đáp ứng ưu đãi đầu tư quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN có hiệu lực trong thời gian từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập đến trước ngày Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14  tháng 2 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế TNDN có hiệu lực thi hành (theo các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN kể từ kỳ tính thuế năm 2006 trở về trước đến thời điểm doanh nghiệp được cấp giấy phép thành lập).
     Hoặc được lựa chọn để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian còn lại tương ứng với các điều kiện thực tế doanh nghiệp đáp ứng ưu đãi đầu tư theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN có hiệu lực tại thời điểm bị điều chỉnh ưu đãi thuế do thực hiện cam kết WTO (theo các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN áp dụng kỳ tính thuế năm 2012)".
     Tại Khoản 1 , Điều 3 Thông tư số 199/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính quy định:
     "1. Doanh nghiệp đang còn trong thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi và đang trong thời gian miễn thuế, giảm thuế TNDN thì được lựa chọn tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian ưu đãi còn lại tương ứng với các điều kiện thực tế doanh nghiệp đáp ứng ưu đãi đầu tư (ngoài điều kiện ưu đãi do đáp ứng về tỷ lệ xuất khẩu) theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN trong thời gian.từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy phép thành lập đến trước ngày Nghị định số 24/2007/NĐ-CP có hiệu lực thi hành hoặc theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN tại thời điểm bị điều chỉnh ưu đãi thuế do thực hiện cam kết WTO."
     - Tại khoản 3a, điều 46 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định thuế suất thuế TNDN 10% đối với dự án có một trong các tiêu chuẩn sau:
     "3. 10% đối với dự án có một trong các tiêu chuẩn sau:
     a) Có 2 trong các tiêu chuẩn nêu tại khoản 2 Điều này;"
     Tại khoản 2, điều 46 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP nêu trên quy định:
     2. 15% đối với dự án có một trong các tiêu chuẩn sau:
     "a) Thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư;
     b) Đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;
     d) Doanh nghiệp khu công nghiệp xuất khẩu trên 50% sản phẩm;"
     - Tại điểm a, khoản 4, điều 46 Nghị định 24/2000/NĐ-CP nêu trên quy định thuế suất thuế TNDN là 10% được áp dụng trong suốt thời hạn thực hiện dự án đầu tư đối với dự án đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:
     "- Đầu tư vào Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;"
     - Tại điểm 8, điều 1 Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2000/NĐ-CP:
     "8. Điều 46 được sửa đổi, bổ sung như sau:
     - Điểm d khoản 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
     "d) Doanh nghiệp sản xuất trong Khu công nghiệp.""
     - Tại mục II Danh mục khuyến khích đầu tư, phụ lục I kèm theo Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2000/NĐ-CP có bổ sung:
     "- Sử dụng thường xuyên từ 500 lao động trở lên"
     - Khoản 3, điều 48 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP nêu trên quy định về miễn, giảm thuế TNDN:
     "3. Các dự án nêu tại khoản 3 Điều 46 Nghị định này và các dự án đầu tư vào địa bàn khuyến khích đầu tư được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 04 năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo, trừ những dự án được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 8 năm."
     Trường hợp của Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam được thành lập năm 2003 nếu đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN do đáp ứng điều kiện ưu đãi về tỷ lệ xuất khẩu theo Giấy phép đầu tư đã cấp, đến năm 2012 bị chấm dứt ưu đãi thuế theo cam kết WTO và theo hướng dẫn tại Thông tư 199/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam đã thông báo với cơ quan Thuế được tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian còn lại theo quy định tại Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000; Nghi định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2000/NĐ-CP của Chính phủ.
     Tại công văn số 635/CT-TTrl ngày 07/01/2014 Cục Thuế có nêu: Tại thời điểm cấp Phép thành lập Doanh nghiệp chế xuất Nitori còn đáp ứng các điều kiện khác ngoài điều kiện là Doanh nghiệp chế xuất (XK 100% sản phẩm) như:
     (1) Đầu tư vào địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn : Huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong danh mục III, phụ lục I kèm theo Nghị định số 24/2000/NĐ-CP;
     (2) Thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư: Doanh nghiệp sử dụng thường xuyên từ 500 lao động trở lên nằm trong danh mục II lĩnh vực khuyến khích đầu tư quy định tại phụ lục I Nghị định số 27/2003/NĐ-CP (trong thực tế từ năm 2005->2012 Doanh nghiệp chế xuất Nitori sử dụng thường xuyên từ 500 lao động, năm 2012 đơn vị sử dụng 2049 lao động).
     (3) Doanh nghiệp sản xuất trong KCN (theo quy định tại điều 1 Nghị định số 27/2003/NĐ-CP).
     Tuy nhiên thời điểm khi Nghị định số 164/2003/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thì Huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc không còn là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
     Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp tại thời điểm thành lập Doanh nghiệp chế xuất Nitori có đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn thì doanh nghiệp vẫn được hưởng ưu đãi đầu tư theo điều kiện về địa bàn ưu đãi đầu tư tại thời điểm thành lập theo Giấy phép đầu tư đã cấp. Đề nghị Cục Thuế căn cứ vào các điều kiện thực tế Doanh nghiệp đáp ứng ngoài điều kiện đáp ứng về tỷ lệ xuất khẩu để xác định ưu đãi thuế TNDN đối với Doanh nghiệp chế xuất Nitori cho phù hợp./.
 Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC - BTC;
- Vụ PC - TCT;
- Lưu: VT, CS (
3b).
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn