Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Công văn Số: 1606/TCT-CS V/v chính sách thuế

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 1606/TCT-CS
V/v chính sách thuế  
Hà Nội, ngày 08  tháng 05  năm 2014

                                                Kính gửi: Cục Thuế thành phố Hà Nội.

     Trả lời công văn số 635/CT-TTrl ngày 07/01/2014 của Cục Thuế thành phố Hà Nội đề nghị hướng dẫn về việc chuyển đổi ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với trường hợp của Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
     - Tại Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 199/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính quy định:
     "2. Doanh nghiệp đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN do đáp ứng điều kiện ưu đãi về tỷ lệ xuất khẩu mà bị chấm dứt ưu đãi thuế TNDN đối với điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu theo cam kết WTO, kể từ năm 2012 được lựa chọn để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian còn lại tương ứng với các điều kiện thực tế doanh nghiệp đáp ứng ưu đãi đầu tư (ngoài điều kiện ưu đãi do đáp ứng điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu), cụ thể như sau:
     - Được lựa chọn để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian còn lại tương ứng với các điều kiện thực tế doanh nghiệp đáp ứng ưu đãi đầu tư quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN có hiệu lực trong thời gian từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập đến trước ngày Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14  tháng 2 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế TNDN có hiệu lực thi hành (theo các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN kể từ kỳ tính thuế năm 2006 trở về trước đến thời điểm doanh nghiệp được cấp giấy phép thành lập).
     Hoặc được lựa chọn để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian còn lại tương ứng với các điều kiện thực tế doanh nghiệp đáp ứng ưu đãi đầu tư theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN có hiệu lực tại thời điểm bị điều chỉnh ưu đãi thuế do thực hiện cam kết WTO (theo các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN áp dụng kỳ tính thuế năm 2012)".
     Tại Khoản 1 , Điều 3 Thông tư số 199/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính quy định:
     "1. Doanh nghiệp đang còn trong thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi và đang trong thời gian miễn thuế, giảm thuế TNDN thì được lựa chọn tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian ưu đãi còn lại tương ứng với các điều kiện thực tế doanh nghiệp đáp ứng ưu đãi đầu tư (ngoài điều kiện ưu đãi do đáp ứng về tỷ lệ xuất khẩu) theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN trong thời gian.từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy phép thành lập đến trước ngày Nghị định số 24/2007/NĐ-CP có hiệu lực thi hành hoặc theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN tại thời điểm bị điều chỉnh ưu đãi thuế do thực hiện cam kết WTO."
     - Tại khoản 3a, điều 46 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định thuế suất thuế TNDN 10% đối với dự án có một trong các tiêu chuẩn sau:
     "3. 10% đối với dự án có một trong các tiêu chuẩn sau:
     a) Có 2 trong các tiêu chuẩn nêu tại khoản 2 Điều này;"
     Tại khoản 2, điều 46 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP nêu trên quy định:
     2. 15% đối với dự án có một trong các tiêu chuẩn sau:
     "a) Thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư;
     b) Đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;
     d) Doanh nghiệp khu công nghiệp xuất khẩu trên 50% sản phẩm;"
     - Tại điểm a, khoản 4, điều 46 Nghị định 24/2000/NĐ-CP nêu trên quy định thuế suất thuế TNDN là 10% được áp dụng trong suốt thời hạn thực hiện dự án đầu tư đối với dự án đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:
     "- Đầu tư vào Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;"
     - Tại điểm 8, điều 1 Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2000/NĐ-CP:
     "8. Điều 46 được sửa đổi, bổ sung như sau:
     - Điểm d khoản 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
     "d) Doanh nghiệp sản xuất trong Khu công nghiệp.""
     - Tại mục II Danh mục khuyến khích đầu tư, phụ lục I kèm theo Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2000/NĐ-CP có bổ sung:
     "- Sử dụng thường xuyên từ 500 lao động trở lên"
     - Khoản 3, điều 48 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP nêu trên quy định về miễn, giảm thuế TNDN:
     "3. Các dự án nêu tại khoản 3 Điều 46 Nghị định này và các dự án đầu tư vào địa bàn khuyến khích đầu tư được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 04 năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo, trừ những dự án được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 8 năm."
     Trường hợp của Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam được thành lập năm 2003 nếu đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN do đáp ứng điều kiện ưu đãi về tỷ lệ xuất khẩu theo Giấy phép đầu tư đã cấp, đến năm 2012 bị chấm dứt ưu đãi thuế theo cam kết WTO và theo hướng dẫn tại Thông tư 199/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam đã thông báo với cơ quan Thuế được tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian còn lại theo quy định tại Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000; Nghi định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2000/NĐ-CP của Chính phủ.
     Tại công văn số 635/CT-TTrl ngày 07/01/2014 Cục Thuế có nêu: Tại thời điểm cấp Phép thành lập Doanh nghiệp chế xuất Nitori còn đáp ứng các điều kiện khác ngoài điều kiện là Doanh nghiệp chế xuất (XK 100% sản phẩm) như:
     (1) Đầu tư vào địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn : Huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong danh mục III, phụ lục I kèm theo Nghị định số 24/2000/NĐ-CP;
     (2) Thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư: Doanh nghiệp sử dụng thường xuyên từ 500 lao động trở lên nằm trong danh mục II lĩnh vực khuyến khích đầu tư quy định tại phụ lục I Nghị định số 27/2003/NĐ-CP (trong thực tế từ năm 2005->2012 Doanh nghiệp chế xuất Nitori sử dụng thường xuyên từ 500 lao động, năm 2012 đơn vị sử dụng 2049 lao động).
     (3) Doanh nghiệp sản xuất trong KCN (theo quy định tại điều 1 Nghị định số 27/2003/NĐ-CP).
     Tuy nhiên thời điểm khi Nghị định số 164/2003/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thì Huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc không còn là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
     Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp tại thời điểm thành lập Doanh nghiệp chế xuất Nitori có đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn thì doanh nghiệp vẫn được hưởng ưu đãi đầu tư theo điều kiện về địa bàn ưu đãi đầu tư tại thời điểm thành lập theo Giấy phép đầu tư đã cấp. Đề nghị Cục Thuế căn cứ vào các điều kiện thực tế Doanh nghiệp đáp ứng ngoài điều kiện đáp ứng về tỷ lệ xuất khẩu để xác định ưu đãi thuế TNDN đối với Doanh nghiệp chế xuất Nitori cho phù hợp./.
 Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC - BTC;
- Vụ PC - TCT;
- Lưu: VT, CS (
3b).
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn



Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Công văn Số: 1856 /TCT-CS V/v: Gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo Nghị quyết 02/NQ-CP và Thông tư số 16/2013/TT-BTC.

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
Số: 1829/TCT-CS
V/v chính sách thuế.
Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2014

Kính gửi: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Tổng cục Thuế nhận được văn bản số 75/2014/CV-VASEP ngày 17/4/2014 của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu một số vướng mắc liên quan đến việc thực hiện chính sách thuế. Sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Xử lý các hóa đơn bán hàng hóa là nông, lâm, thủy hải sản mới qua sơ chế thông thường hoặc chưa qua chế biến đã ghi thuế suất 5%
Tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính về thuế GTGT hướng dẫn như sau:
“5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.
….
Trường hợp sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã đã lập hóa đơn, kê khai, tính thuế GTGT thì người bán và người mua phải điều chỉnh hóa đơn để không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản này”
Căn cứ hướng dẫn trên: Trường hợp người bán là doanh nghiệp, hợp tác xã đã lập hóa đơn GTGT, ghi thuế GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì người bán và người mua phải điều chỉnh hóa đơn để không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trường hợp người bán đã xuất nhiều hóa đơn GTGT cho cùng một (01) người mua thì khi điều chỉnh, người bán được xuất 01 hóa đơn điều chỉnh kèm theo Bảng kê các hóa đơn điều chỉnh.
2. Thuế GTGT khâu nhập khẩu của hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị trả về
Theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành thì đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu hàng nhưng bị phía nước ngoài trả về thì khi nhập khẩu lại Việt Nam doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp thuế GTGT như hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT căn cứ chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu theo quy định.
3. Khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi bán sản phẩm là nông, lâm, thủy hải sản mới qua sơ chế, chưa qua chế biến
Tại khoản 11 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên hướng dẫn:
“11. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho các hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ không kê khai, tính nộp thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư này (trừ khoản 2, khoản 3 Điều 5) được khấu trừ toàn bộ.”
Căn cứ hướng dẫn trên, từ ngày 01/01/2014, trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bán sản phẩm là nông, lâm, thủy hải sản mới qua sơ chế thông thường hoặc chưa qua chế biến thành sản phẩm khác cho doanh nghiệp, hợp tác khác thì không phải kê khai, tính và nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC; Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ toàn bộ theo hướng dẫn tại khoản 11 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên.
Các nội dung khác tại văn bản số 75/2014/CV-VASEP của Hiệp hội (nội dung về thuế nhà thầu và hoàn thuế kèm theo báo cáo hàng tồn kho), Tổng cục Thuế sẽ có ý kiến trả lời Hiệp hội sau.
Tổng cục Thuế trả lời để Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam được biết./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c);
- Cục thuế các tỉnh, TP;
- Vụ PC, CST-BTC;
- Vụ PC-TCT;
- Lưu: VT, CS(3).
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn





Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Công văn Số: 1361/TCT-CS V/v lập hóa đơn

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 1361/TCT-CS
V/v lập hóa đơn
 
Hà Nội, ngày 24  tháng 04  năm 2014

Kính gửi: Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh.


     Tổng cục Thuế nhận được công văn số 657/CT-TTHT ngày 23/01/2014 của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và công văn số 2014/01 ngày 28/02/2014 của Công ty cổ phần Tetra Pak Việt Nam đề nghị hướng dẫn về việc lập hoá đơn bổ sung tên, mã số thuế của tổ chức cung ứng phần mềm tự in hoá đơn từ ngày 01/7/2013. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau :
     Căn cứ Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:
     - Tại Tiết i Khoản 1 Điều 4 quy định:
     "Nội dung bắt buộc trên hóa đơn đã lập phải được thể hiện trên cùng một mặt giấy : . . . i) Tên tổ chức nhận in ,hoá đơn, tổ chức cung ứng phần mềm tự in hoá đơn, tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử.
     Trên hoá đơn đặt in, hoá đơn tự in, hoá đơn điện tử phải thể hiện tên, mã số thuế của tổ chức nhận in hoá đơn, tổ chức cung ứng phần mềm tự in hoá đơn, tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử, bao gồm cả trường hợp tổ chức nhận in tự in hoá đơn đặt in, tự cung ứng phần mềm tự in hoá đơn, tự cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử."
     Tại Khoản 3 Điều 6 quy định điều kiện và trách nhiệm của tổ chức cung ứng phần mềm tự in hóa đơn: . . . "b) Trách nhiệm: Ghi thông tin tên, mã số thuế (nếu có) của tổ chức cung ứng phần mềm tự in hoá đơn lên các hoá đơn tự in của tổ chức, cá nhân".
     Căn cứ hướng dẫn tại khoản 14 Điều 14 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012  của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp:
     "- Hoá đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật như: hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hoá đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT);
     - Hoá đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán;
     - Hoá đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua (trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 11 Điều này);
     - Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo);
     - Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi".
     Theo trình bày của Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Tetra Pak Việt Nam, trước ngày 01/7/2013 Công ty cổ phần hoá chất Á Châu, Công ty cổ phần Tetra Pak Việt Nam đã lập thông báo phát hành hóa đơn tự in gửi cơ quan thuế theo quy định tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC, trên mẫu hóa đơn không có tên đơn vị cung cấp phần mềm tự in hóa đơn.
     Từ ngày 01/07/2013, Công ty cổ phần hoá chất Á Châu và Công ty cổ phần Tetra Pak Việt Nam phải bổ sung tên và mã số thuế của tổ chức cung ứng phần mềm trên hóa đơn và lập thông báo điều chỉnh thông tin hóa đơn theo mẫu TB04/AC ban hành kèm theo Thông tư số 64/2013/TT-BTC gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, theo trình bày của Công ty cổ phần hoá chất Á Châu và Công ty cổ phần Tetra Pak Việt Nam từ ngày 01/07/2013 đến thời điểm Công ty lập thông báo điều chỉnh thông tin với cơ quan thuế, do Công ty sử dụng phần mềm SAP cùng với Tập đoàn Tetra Pak trên toàn cầu, việc bổ sung thông tin trên hoá đơn có nhiều thủ tục và cần nhiều thời gian để thay đổi. Công ty cổ phần Tetra Pak Việt Nam đã phát hành hoá đơn với số lượng lớn (từ số 2942 đến số 10000); đối với Công ty cổ phần hoá chất Á Châu đã phát hành hoá đơn với số lượng lớn (là 11.000 số). Các hoá đơn đã được kê khai trên tờ khai thuế hàng tháng đầy đủ, đúng quy định.
     Căn cứ hướng dẫn tại khoản 14 Điều 14 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính thì thông tin về tổ chức cung ứng phần mềm hoá đơn tự in không ảnh hưởng đến nội dung kinh tê của hoá đơn, về người bán, người mua hay số thuế GTGT phải nộp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty không phải thu hồi, huỷ số hoá đơn đã lập với số lượng lớn và các hoá đơn này đã kê khai trên tờ khai thuế hàng tháng đây đủ, đúng quy định với cơ quan thuế, Tổng cục Thuế thống nhất với ý kiến đề xuất của Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh tại công văn số 657/CT-TTHT ngày 23/01/2014. Công ty cổ phần hoá chất Á Châu và Công ty cổ phần Tetra Pak Việt Nam bị xử phạt về hành vi không lập đủ các nội dung bắt buộc trên hoá đơn theo quy định.
     Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh được biết./.

 Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC - BTC;
- Vụ PC,KK - TCT;
- Công ty cổ phần Tetra Pak Việt Nam;
- Lưu: VT, CS (2b).
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn